Trang chủ > Thông tin Đại sứ quán
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến về tình hình dịch Covid-19
2020-05-11 11:58
 

Ngày 7 tháng 5, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Họp báo trực tuyến về tình hình dịch bệnh Covid-19, Tham tán Công sứ Doãn Hải Hồng chủ trì họp báo và trả lời câu hỏi của Phóng viên. Đại diện các cơ quan chủ quan thông tin báo chí như Bộ Thông tin  Truyền thông, Vụ thông tin báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện 6 viện nghiên cứu như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phóng viên của 15 cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân...  tổng cộng 35 người tham dự.  Nội dung cuộc họp báo như sau:

Bà Doãn Hải Hồng: Cuộc họp báo định kỳ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh của các bạn học giả và phóng viên. Trong tình hình đặc biệt, chúng tôi tổ chức Họp báo trực tuyến lần này, sẵn sàng trao đổi các vấn đề mà các bạn cùng quan tâm. Đầu tiên, tôi xin được giới thiệu về hợp tác Trung-Việt trong bối cảnh dịch bệnh, sau đó sẽ trả lời các câu hỏi mà các bạn quan tâm.

Năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung -Việt, có thể nói từ đầu năm nay, quan hệ hai nước có sự mở đầu rất tốt. Ngày 16 tháng 1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nhất trí rằng hai bên sẽ không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị lẫn nhau, phát huy tình hữu nghị truyền thống, đồng thời xuất phát từ đại cục và lợi ích lâu dài hai nước, xử lý thỏa đáng và hóa giải bất đồng, giữ gìn tốt môi trường bên ngoài cho sự phát triển của hai nước. Trên cơ sở đó, không ngừng đẩy mạnh  hợp tác giao lưu giữa hai nước. Dưới sự lãnh đạo chiến lược của Tổng Bí thư hai Đảng, quan hệ Trung-Việt trong năm nay đang phát triển theo chiều hướng đó. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời điện đàm, đạt được nhận thức chung về tăng cường hợp tác chống dịch giữa hai nước. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, nhân dân đi lại thường xuyên, đứng trước dịch bệnh, chúng ta thật sự là cộng đồng chung vận mệnh nhân loại. Tôi cho rằng chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này từ ba góc độ.

Thứ nhất, việc Trung Quốc và Việt Nam đều kiểm soát tốt dịch bệnh chính là đóng góp đối với khu vực và thế giới. Chúng ta hãy nhìn lại chặng đường gian khổ chúng ta đều tửng trải qua. Ngày 27 tháng 12, khi Trung Quốc báo cáo về ca bệnh đầu tiên, Vũ Hán đang ở giữa mùa đông, là một thành phố lớn với 11 triệu dân, các bệnh thường gặp vào mùa đông như cảm cúm, viêm phổi thông thường có số người mắc rất đông, việc xác định virus corona chủng mới và tính lây nhiễm của nó cần một quá trình. Ngày 3 tháng 1, Trung Quốc bắt đầu chủ động thông báo tình hình dịch bệnh cho WHO và Mỹ. Ngày 23 tháng 1, Vũ Hán phong tỏa. Ngày 30 tháng 1, WHO tuyên bố dịch bệnh đã trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Lúc này, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc chưa tói 100 ca và không có ca nào tử vong. Trong quá trình này, Trung Quốc đã mời chuyên gia WHO đến Trung Quốc khảo sát, trong đoàn còn có hai chuyên gia người Mỹ. Trong giai đoạn 1, Trung Quốc là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhờ có sự cố gắng một lòng của toàn dân từ trên xuống dưới mới giành được thành tựu chống dịch hôm nay. WHO, báo chí và các thành phần xã hội của Việt Nam đều đã đánh giá cao điều đó. Tổng thống Donald Trump cũng đã khen ngợi Trung Quốc ít nhất 15 lần.

Trong giai đoạn 1, Việt Nam cũng đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Hai nước Trung-Việt đã đồng bộ áp dụng biện pháp hạn chế nhân dân đi lại. Nhìn lại thời điểm đó, Việt Nam đã có 22 ngày liên tục không có ca nhiễm mới tính từ ngày 13 tháng 2, cho thấy rõ ràng rằng chỉ cần kịp thời áp dụng biện pháp phù hợp thì dịch bệnh là có thể phòng chống và kiểm soát được, cũng đồng thời cho thấy việc Mỹ và các quốc gia Phương Tây thất bại trong phòng dịch là do họ không coi trọng những cảnh báo của Trung Quốc và WHO gây ra. Giống như một quan chức của WHO đã nói, mỗi quốc gia đều cần chịu trách nhiệm với nhân dân của mình. Từ ngày 6 tháng 3 trở đi, đại đa số các ca nhiễm mới tại Việt Nam đều là ca xâm nhập từ các nước Âu Mỹ. Nhưng trong giai đoạn phòng dịch thứ 2- một giai đoạn phức tạp, Đảng và Chính phủ Việt Nam vẫn khống chế được dịch bệnh qua áp dụng các biện pháp quyết liệt. So sánh với các nước Phương Tây, cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã tạo nên kỳ tích. Nguyên nhân là gì? Chính là do Đảng và Chính phủ hai nước Trung-Việt đều đặt tính mạng nhân dân lên vị trí hàng đầu, toàn quốc từ trên xuống dưới đoàn kết một lòng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các địa phương điều tiết cùng hành động, nhân dân tin vào Chính phủ, phối hợp hành động với Chính phủ. Thiết nghĩ, điều này các nước Phương Tây khó có thể làm được, e là những việc như đeo khẩu trang, cách ly cũng khó mà nhận được sự đồng thuận của xã hội. Trung Quốc có 1.4 tỷ dân, Việt Nam có gần 100 triệu dân, mật độ dân số hai nước đều tương đối đông đúc, nếu công tác phòng dịch có lỗ hổng thì sẽ gây ra bất lợi cho công tác phòng dịch của toàn cầu. Sự thành công của Trung Quốc và Việt Nam chính là đóng góp cho công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam hiểu nhau, hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi, phối hợp và hợp tác mật thiết. Chúng tôi sẽ không thể nào quên trong thời điểm Trung Quốc khó khăn nhất, mặc dù Việt Nam cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt về vật tư nhưng đã ngay lập tức đưa tay hỗ trợ Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam hỗ trợ vật tư trị giá 500 nghìn USD, Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ vật tư trị giá 100 nghìn USD, một số ban ngành và các tỉnh biên giới cũng viện trợ cho phía Trung Quốc. Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh còn điều trị thành công và miễn phí cho hai công dân Trung Quốc. Sau khi tình hình ở Trung Quốc có chuyển biến tích cực, chúng tôi cũng hi vọng đáp lại những thiện chí mà các nước đã dành cho Trung Quốc. Dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như nhu cầu của các nước, Trung Quốc đã cử đội ngũ hỗ trợ y tế, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, hỗ trợ vật tư chống dịch trong phạm vi khả năng  của mình tới các nước khác. Một số báo chí Phương Tây bôi nhọ Trung Quốc đang làm "ngoại giao khẩu trang", là hoàn toàn không có thiện chí. Việc Trung Quốc giúp đỡ các nước khác, cũng giống như việc Việt Nam giúp đỡ nước khác, là chân thành và vô tư, tình cảm luôn cao hơn giá trị vật chất, sự giúp đỡ của nước đang phát triển với nước đang phát triển, là sự giúp đỡ chân thành và tương trợ lẫn nhau giữa những người bạn.

Chúng tôi có để ý thấy một số cư dân mạng Việt Nam nói rằng Trung Quốc viện trợ Việt Nam còn không nhiều bằng Việt Nam viện trợ Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do khi Trung Quốc viện trợ một quốc gia đang phát triển, tiêu chuẩn quan trọng là tình hình dịch nước đó có nghiêm trọng không, năng lực chống dịch của nước đó đến đâu. Từ hai phương diện này đều có thể thấy Việt Nam đã làm rất xuất sắc, do đó Trung Quốc ưu tiên dành viện trợ cho những nước thiếu vật tư nghiêm trọng hơn. Cách đây không lâu, một số ban ngành và địa phương của Trung Quốc cũng đã hỗ trợ phía Việt Nam trong khả năng của mình. Sự viện trợ của Trung Quốc nghiêng về cảm ơn, đáp lại sự hỗ trợ của Việt Nam nhiều hơn, thể hiện tình cảm "vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Hiện nay hợp tác giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, các tỉnh biên giới đã xây dựng cơ chế phòng chống phối kết hợp, một mặt dốc sức phòng chống dịch bệnh, một mặt đảm bảo và thúc đẩy thương mại phát triển. Do hạn chế về vận chuyển đường biển và đường hàng không, vận chuyển đường bộ trong thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng hàng hóa ùn ứ. Dưới sự nỗ lực của hai bên, trước mắt vấn đề đã được cải thiện, một số cửa khẩu kéo dài thời gian thông quan. Hai bên còn bàn bạc mở đường ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa nông sản, tăng thêm số lượng nhân công bốc xếp hàng hóa, tối ưu trình tự thông quan nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan. Đương nhiên, hai bên vẫn cần tiếp tục duy trì trao đổi, cần áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để đảm bảo thương mại được thông suốt.

Thứ ba, về quy tụ đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế để hình thành sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi ích chung rộng rãi. Đứng trước dịch bệnh, cộng đồng quốc tế nên tăng cường đoàn kết chứ không phải là có khuynh hướng chia rẽ. Tổng thống Mỹ đã từng khen ngợi Trung Quốc minh bạch, trạch nhiệm tới mười mấy lần, tại sao gần đây lại bắt đầu chỉ trích Trung Quốc? Một nguyên nhân chính là do tình hình dịch bệnh tại Mỹ và các nước Phương Tây đã vượt khỏi tầm kiểm soát, chính khách Mỹ tham gia tranh cử không thể đưa ra lời giải thích cho nhân dân, nên buộc phải tìm một chú cừu thế tội, đẩy trách nhiệm sang Trung Quốc, cũng đồng thời phải đẩy trách nhiệm sang WHO, thậm chí còn có một số người reo rắc tin giả rằng virus là do Trung Quốc tạo ra. Về việc con người tạo ra virus, chuyên gia WHO, nhiều nhà khoa học của nhiều nước, trong đó có cả chuyên gia Mỹ tại WHO đều đã đưa ra những phát biểu công khai. Về vấn đề nguồn gốc của virus, thật ra trong lòng người dân Trung Quốc cũng có thắc mắc. Vũ Hán là nơi đầu tiên đưa ra báo cáo về virus, nhưng chưa chắc là nơi khởi nguồn, nguồn gốc của nhiều loại bệnh truyền nhiễm trong lịch sử cũng đã chứng minh điều đó. Gần đây, Mỹ, Pháp đều có bài báo đưa tin virus có khả năng đã xuất hiện tại các nước đó vào tháng 12, thậm chí sớm hơn, tháng 11, điều này đã hoàn toàn lật đổ các mốc thời gian đã được công bố bởi chính phủ các nước đó. Tờ "Nhân dân nhật báo" của Trung Quốc đã đăng tải bài viết Mười câu hỏi dành cho nước Mỹ, hi vọng truyền thông, báo chí Việt Nam tham khảo bài viết đó. Chúng tôi cho rằng Mỹ cũng có trách nhiệm trả lời cho những thắc mắc của Trung Quốc. Bất luận câu trả lời cuối cùng là gì, thì nhân dân trên toàn thế giới, bao gồm nhân dân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ, đều là nạn nhân. Đổ lỗi cho nước khác cũng không cứu được tính mạng của những người dân nước mình. Chính phủ các nước cần thể hiện lương tri của mình, truyền thông cũng cần thể hiện lương tri của mình, chứ không nên ngày nào cũng đưa những tin sai lệch về chính trị một cách không có giới hạn, khiến cho virus chính trị lây lan khắp thế giới. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi thấy rằng truyền thông Việt Nam đã đưa những tin tức khách quan, nhưng gần đây lại có một số báo chí, thậm chí là báo chí chính thống đang chạy theo Mỹ, chúng tôi nghĩ rằng như vậy là không có lợi, chỉ giúp cho khí thế của những chính khách đang ngụy tạo lời dối càng mạnh mẽ hơn.

Về những tin giả, thật ra không chỉ có nhắm vào Trung Quốc, mà cũng có tin nhắm vào Việt Nam. Chúng tôi có để ý thấy, cách đây không lâu, trên mạng xã hội có lan truyền tin giả về việc sứ đoàn ngoại giao nước ngoài rút hết người dân nước đó ra khỏi Việt Nam, việc này không có nghi ngờ gì nữa, chính là gây bất lợi cho hình ảnh của Việt Nam. Mọi người có thể lật ngược lại vấn đề một chút, những tin sai lệch nhắm vào Trung Quốc sẽ khiến người dân Trung Quốc tổn thương ra sao. Gần đây, có một số doanh nhân Trung Quốc sống tại Hà Nội nhận được tin nhắn đe dọa với nội dung "Cút khỏi Việt Nam nếu không sẽ bị giết". Chúng tôi đã trình báo cơ quan công an và cung cấp chứng cứ liên quan. Tôi e là đây chính là hậu quả tồi tệ do các tin tức giả lan truyền trên báo chí, những tin tức đó chắc chắn sẽ gây ra khoảng cách thậm chí là thù hận, phủ màn đen lên tình hữu nghị giao lưu và hợp tác giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Tại các nước Phương Tây và Mỹ, có thể bắt gặp rất nhiều trường hợp bài xích người Trung Quốc, thậm chí những người gốc châu Á cũng bị vạ lây, cũng đã có người gốc Việt bị kỳ thị và tấn công. Do đó mỗi người trong chúng ta đều cần nói không với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan, giữ gìn mái nhà chung cho nhân loại cùng chung sống.

Rất nhiều người có thể sẽ nói, Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc cũng không liên quan gì đến Việt Nam, Việt Nam có khi lại được hưởng lợi từ việc đó, sự thực hoàn toàn không phải như vậy. Việc Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù sẽ tổn hại nghiêm trọng tới cộng đồng quốc tế, một là làm xấu đi quan hệ giữa các nước lớn, các nước nhỏ sẽ buộc phải chọn phe. Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ nhất và thứ hai của Việt Nam, tình thế bị kẹt ở giữa của Việt Nam sẽ chỉ càng ngày càng khó khăn. Hai là tổn hại hệ thống đa phương quốc tế. Hệ thống đa phương quốc tế cần sự chung tay giữ gìn của các nước, đặc biệt là các nước lớn. Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định CPTPP, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO..., đồng thời tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO. Việc này sẽ tiếp tục tổn hại đến vai trò của hệ thống và cơ chế quản trị toàn cầu. Trung Quốc đã tăng thêm tài trợ cho WHO, Việt Nam cũng đã ủng hộ WHO số tiền trị giá 50 nghìn USD, thể hiện lập trường chung của hai nước trong việc bảo vệ hệ thống đa phương. Ba là Mỹ chèn ép Trung Quốc, chắc chắn Trung Quốc sẽ phản công, thái độ thù địch sẽ gây ra rủi ro lớn cho khuynh hướng hòa bình và phát triển của thế giới. Mỹ lợi dụng các vấn đề về Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương và 5G để chèn ép Trung Quốc, giờ đến dịch bệnh cũng trở thành công cụ để Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Bản chất của vấn đề Nam Hải cũng vậy, là công cụ chính trị của nước Mỹ. Không có cục diện căng thẳng thì tạo ra cục diện căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Micheal Pompeo nhiều lần tô lên cục diện Nam Hải căng thẳng, Mỹ hết lần này đến lần khác đưa tàu đến Nam Hải để tạo ra cục diện căng thẳng, mục đích có thật sự là giữ gìn sự hòa bình và ổn định của Nam Hải hay không? Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền tại Nam Hải như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều có những cơ chế đối thoại song phương thông suốt, những cơ chế này chưa từng hết hiệu lực để cần Mỹ phải xen vào. Ngược lại, những nước khu vực Nam Hải không có nước nào không muốn tình hình Nam Hải hòa bình và ổn định, chỉ có kẻ ngoài cuộc mới có thể làm loạn cục diện Nam Hải xong rồi bỏ đi là xong chuyện. Mọi người thử nghĩ xem, những năm gần đây, người gây ra chiến tranh cục bộ là ai? Afghanistan và Iraq đều là những vết xe đổ. Những năm gần đây Châu Á luôn duy trì hòa bình ổn định, việc này không thể tách rời những nỗ lực chung của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Tôi muốn khẳng định lại rằng, chính sách Nam Hải của Trung Quốc không có bất kì thay đổi nào, nói Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để gây hấn trên Nam Hải là lời bịa đặt lớn nhất, Trung Quốc sẽ không chủ động gây hấn. Trung Quốc một mặt sẽ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, đồng thời chúng tôi cũng là người kiên định duy trì hòa bình ổn định của Nam Hải. Thông qua trao đổi nội bộ để kiểm soát bất đồng là kinh nghiệm thành công của chúng tôi, chúng ta nên kiên định điểm này, phải đối thoại, không đối đầu. Chỉ cần chúng ta kiên trì đối thoại chân thàn, cầu đồng tồn dị sẽ giải quyết ổn thỏa tất cả mọi vấn đề.

Cuối cùng, chúng ta hãy quay lại điểm bắt đầu và điểm cơ bản của quan hệ Trung-Việt. Trung Quốc và Việt Nam có bề dày tình hữu nghị truyền thống, chế độ tương đồng, vận mệnh và hoàn cảnh tương tự. Tổng Bí thư hai Đảng đã đạt nhận thức chung vào đầu năm, nhất trí rằng hai bên sẽ không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị lẫn nhau, phát huy tình hữu nghị truyền thống, đồng thời xuất phát từ đại cục và lợi ích lâu dài hai nước, xử lý thỏa đáng và hóa giải các bất đồng, giữ gìn tốt môi trường bên ngoài cho sự phát triển của hai nước. Trên cơ sở đó, không ngừng thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa hai nước phát triển lớn mạnh hơn nữa. Chỉ cần chúng ta kiên trì thực hiện nhận thức chung của Tổng bí thư hai Đảng,  quan hệ Trung - Việt nhất định sẽ phát triển thuận lợi. Năm nay là kỉ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Việt, tôi tin rằng năm nay, trong bối cảnh đặc biệt chống dịch, quan hệ Trung - Việt chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển đi lên, triển vọng hợp tác trong công tác chống dịch, khôi phục sản xuất và ổn định chuỗi ngành nghề là vô cùng rộng lớn.

Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam: Bà bình luận như thế nào về quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới? Hai bên là vừa hợp tác vừa cạnh tranh hay cạnh tranh là chủ yếu, hay là hợp tác nhiều hơn?

Trả lời: Phía Trung Quốc hy vọng quan hệ Trung - Mỹ phát triển ổn định lành mạnh. Mặc dù Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Trung Quốc vẫn kiềm chế ở mức tối đa nhất, kiên trì đàm phán hiệp thương với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát triển và đang phát triển lớn nhất, hai nền kinh tế lớn dẫn đầu trên thế giới, Mỹ có trách nhiệm cùng với Trung Quốc duy trì quan hệ song phương, trật tự quốc tế ổn định.

Quan hệ song phương tốt hay xấu không thể dựa vào nỗ lực của một bên mà là kết quả tương tác giữa hai bên. Quan hệ Trung - Mỹ có thể phát triển ổn định lành mạnh hay không, thái độ của phía Mỹ là rất quan trọng. Việc phát triển quan hệ Trung - Mỹ phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lợi ích hạt nhân và quyền lợi phát triển của mỗi bên. Nếu Mỹ cố tình công kích, nói xấu thậm chí là bắt nạt Trung Quốc, chúng tôi sẽ quyết không chùn lại, quyết không nhượng bộ đối với vấn đề lợi ích hạt nhân. Nếu Mỹ có ý đồ ngăn chặn Trung Quốc phát triển, chúng tôi sẽ quyết tâm đấu tranh. Đấu tranh của Trung Quốc không chỉ là để bảo vệ lợi ích của bản thân mà còn để bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Các nước đều có quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chúng tôi hy vọng các nước sẽ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc, hiểu bản chất vấn đề hiện tại, không mù quáng theo Mỹ công kích Trung Quốc.

Hiện tại, Mỹ đang dùng mọi biện pháp để công kích Trung Quốc, Mỹ là bên gây hấn, Trung Quốc chỉ bị buộc đáp lại. Nếu Mỹ thay đổi thái độ, tôn trọng lợi ích của Trung Quốc, cánh cửa đàm phán với Mỹ của chúng tôi luôn luôn rộng mở. Chúng tôi hy vọng Mỹ hiểu rõ tình hình. Các nước trên thế giới hiện nay dựa vào lẫn nhau, sự phát triển của Mỹ không thể tách rời khỏi Trung Quốc, sự phát triển của Trung Quốc cũng không thể tách rời Mỹ. Các nước cầu đồng tồn dị, cùng nhau xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, chung tay hợp tác, đây mới là con đường đúng đắn duy nhất. Sáng kiến này của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của đa số các nước. Hội nghị G20, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS được tổ chức gần đây đều đưa ra tín hiệu rõ ràng, duy trì đoàn kết và hợp tác của cộng đồng quốc tế, phù hợp với lợi ích căn bản của Trung Quốc, cũng phù hợp với lợi ích căn bản của Mỹ và các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Viện Chiến lược phát triển - Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam: Kinh tế Trung Quốc và Việt Nam trong quý I chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Thương mại của Việt Nam chịu ảnh hưởng tương đối lớn, giao thương với Trung Quốc vẫn tương đối tốt. Căn cứ số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, Quý I năm nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8.4 tỷ USD, nhập khẩu 13.3 tỷ USD, vẫn thâm hụt thương mại. Tương lai ngoài việc cùng làm tốt công tác phòng chống dịch, hai bên cũng cần khôi phục và ổn định thương mại song phương. Năm nay Trung Quốc có biện pháp mới nào để cải thiện vấn đề cán cân thương mại không cân bằng của hai nước không? Việt Nam sau khi chi kinh phí lớn để chống dịch, việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Trả lời: Về mặt thương mại, theo thống kê của phía Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I giảm tương đối nhiều, nhưng điểm nhấn là kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN lại tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là kim ngạch thương mại Trung - Việt dẫn đầu trong tốc độ tăng trưởng ASEAN - Trung Quốc, chiếm tỉ trọng hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN, kết quả này thật đáng phấn khởi. Hiện tại, ASEAN đã vượt qua EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, hai bên nên tiếp tục nỗ lực duy trì đà phát triển tốt đẹp này.

Hiện tại hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang áp dụng các biện pháp có hiệu qủa nhằm tiếp tục tăng cường xu hướng phát triển kinh tế thương mại của hai nước. Chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay không thể tổ chức các hội chợ thương mại, phía Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ thương mại trực tuyến, hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn tổ chức giao lưu trực tuyến giữa các doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác đầu tư. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hai bên có thể nhanh chóng khôi phục xúc tiến thương mại và tổ chức qua lại đầu tư. Tôi tin rằng những biện pháp này trên một mức độ nhất định sẽ duy trì phát triển bền vững hợp tác thương mại của hai nước. Ngoài ra, hải quan hai nước cũng sẽ tổ chức trao đổi về vấn đề kiểm dịch. Theo kế hoạch, năm nay Trung Quốc sẽ cử đoàn chuyên gia kiểm dịch sang Việt Nam khảo sát, nhưng do dịch bệnh nên kế hoạch này phải lùi lại. Hiện tại hai bên còn đang nghiên cứu làm thế nào để tiếp tục triển khai hợp tác kiểm dịch trong bối cảnh dịch bệnh. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ và nỗ lực phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các cơ quan hữu quan của hai nước cùng tìm ra biện pháp có hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại của hai nước.

Vnexpress: Bà vừa rồi có nhắc đến việc điều tra dịch bệnh Covid-19 không phải là việc cấp bách nhất bây giờ, nhưng có một số ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc phối hợp điều tra nguồn gốc của virus thì sẽ giúp ích cho các quốc gia trong đó có Mỹ và các nước Phương Tây kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tử vong, ổn định kinh tế xã hội phát triển. Bà nhận định thế nào về việc này?

Trả lời: Về vấn đề điều tra quốc tế, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành gần đây khi trả lời phỏng vấn đã nhắc đến vấn đề này. Thái độ của chúng tôi là rất rõ ràng, Trung Quốc giữ thái độ chân thành và cởi mở về vấn đề này. Chúng tôi ủng hộ các nhà khoa học tăng cường trao đổi khoa học về vấn đề này. Đương nhiên, chúng tôi cũng nên phân biệt rõ ràng đâu là yêu cầu chính đáng với cái gọi là "yêu cầu" có âm mưu chính trị đằng sau. Bạn vừa rồi có nhắc đến các nước Phương Tây cho rằng họ kiểm soát dịch bệnh không tốt là do không biết nguồn gốc virus, đây rõ ràng là nói dối. Ví dụ như Việt Nam, Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh, không có quốc gia nào nhờ vào điều tra mà đạt kết quả chống dịch tốt, đây chỉ là cái cớ của một số quốc gia.

Một số quốc gia Phương Tây nói xấu Trung Quốc mà không có bằng chứng nào, cáo buộc sai lầm Trung Quốc sản xuất virus để lây lan sang các nước khác, suy đoán chủ quan là Trung Quốc có tội, Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận cách làm này. Mỹ trước đây từng tuyên bố có bằng chứng chứng minh Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt và cho quân sang đánh Iraq, nhưng đến nay cũng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Đối với các quốc gia Phương Tây, đặc biệt là Mỹ mà nói, cái gọi là "điều tra" chỉ là cái cớ nhằm công kích Trung Quốc, lan truyền virus chính trị, giảm áp lực chính trị nội bộ.

Chúng tôi phản đối điều tra chính trị hóa. Điều tra cần giao cho các nhà khoa học và các chuyên gia y tế tiến hành giao lưu, không thể do các chính khách cố ý lan truyền chứng cứ giả và những lời nói dối  gây loạn dư luận quốc tế làm chủ đạo.

Đài Phượng Hoàng: Vẫn về vấn đề nguồn gốc virus. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Mỹ nói rằng virus không phải sinh ra từ phòng thí nghiệm, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho rằng sẽ công bố báo cáo điều tra về nguồn gốc virus trong tương lai. Trung Quốc có bình luận gì về việc này?

Trả lời: Chúng tôi cũng đang đặc biệt quan tâm vấn đề này, hy vọng trên cơ sở truy tìm nguồn gốc một cách khoa học sẽ đưa ra được kết luận khoa học. Chúng tôi cũng chú ý đến kết luận sơ bộ ban đầu của WHO và các nhà khoa học, các chuyên gia y tế, trong đó bao gồm các nhà khoa học của Mỹ, họ đều nhận định virus có nguồn gốc từ tự nhiên, không phải do con người tạo ra.

 Chúng tôi tôn trọng kết luận sơ bộ của các nhà khoa học và các chuyên gia y tế. Tôi là một nhà ngoại giao, không trả lời được virus đến từ đâu, các chính khách Mỹ cũng không thể. Chúng ta nên tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia y học

Viện nghiên cứu Trung Quốc - Viện hàn lâm KHXH: Quan hệ Trung - Việt hiện tại có những khó khăn và trở ngại nào? Nguyên nhân chủ yếu là gì? Trung Quốc trong tương lai sẽ áp dụng những biện pháp nào để tăng cường hợp tác giữa hai nước?

Trả lời: Cá nhân tôi cho rằng vấn đề lớn nhất trong quan hệ của hai nước là dân ý, hiện tại hiện tượng chủ nghĩa dân túy xuất hiện khiến chúng ta cần cảnh giác cao độ. Trung Quốc và Việt Nam tồn tại bất đồng trên biển, Vì vậy có một số người Việt Nam không tin, không thích Trung Quốc, nhưng không thể chuyện gì cũng chuyện bé xé ra to, chủ nghĩa dân túy là vô cùng nguy hiểm. Gần đây truyền thông của Việt Nam đưa tin, một doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng bãi cỏ có hình như đường chín đoạn trong công viên, gọi đây là thể hiện lập trường chủ quyền của Trung Quốc. Cách nói này hoàn toàn không có căn cứ. Trên thực tế, công ty này xây dựng công viên để người dân xung quanh có nơi vui chơi nghỉ ngơi miễn phí, đây đáng lẽ là một việc tốt của công ty để chủ động gánh vác trách nhiệm xã hội. Những bài báo nói không thành có như này chỉ thổi bùng lên suy nghĩ phản đối Trung Quốc của quần chúng nhân dân Việt Nam, làm doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cảm thấy bất an và nghi hoặc.

Chúng tôi trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều cố gắng cải thiện tình cảm giữa nhân dân, làm sâu sắc thêm hiểu biết của nhân dân Việt Nam với Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công bồi đắp quan hệ Trung Việt, được sự yêu mến của người dân Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 19 tháng 5 là kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc sẽ phát một loạt các video tuyên truyền về tình hữu nghị hai nước. Nhân dịp này sẽ mời một số quan chức và ngôi sao mà người dân Việt Nam yêu thích tham gia, trong đó có Triệu Vy, người từng diễn vai Tiểu Yến Tử trong phim Hoàn Châu Cách Cách. Hy vọng các bạn báo chí tích cực tham gia hoạt động trực tuyến trên trang Facebook của Đại sứ quán. Tình hữu nghị truyền thống của hai nước là do các nhà cách mạng thế hệ trước dành rất nhiều tâm huyết dày công vun đắp nên, có được không dễ dàng. Đại sứ quán sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hữu nghị, phát huy tình hữu nghị truyền thống, để tình hữu nghị Trung - Việt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Suggest To A Friend:   
Print